Wednesday, February 17, 2010

Giáo Hoàng



Không biết từ bao giờ người ta đặt tên cho loài vượn núi Sơn Trà là Giáo Hoàng , khi mới về đây nghe tên gọi ấy cũng ngờ ngợ, cũng hay hay, gây cho tôi một sự chú ý tò mò .

Núi Sơn Trà như chúng ta đã thấy, độc nhất một hòn núi xanh, ba bề là biễn, chỉ một rẻo nhỏ dính liền đất, cái rẻo nầy là một khu trù mật, đông dân cư, đa phần sống nghề đi biễn, chất đốt một ngày ba bữa của họ không có chi khác ngoài củi, một miếng mồi ngon nằm bên miệng mà hòn núi vẫn giữ được màu xanh, đó là điều đáng tuyên dương những ban ngành đã ra công canh giữ .
Hòn núi có lệnh cấm khai thác gắt gao là để bảo vệ loài vượn khác lạ nhất thế giới, có thể vì lông màu trắng thân hình to nên họ đặt tên là vượn Giáo Hoàng (to bằng con chó bẹt gê) .

Đó là thời điễm 1975 trở về trước, đến thời này không biết ra sao, các tay đại gia, các ông quan to của đãng, sáng nhung nai, chiều óc khỉ có tha cho loài vượn quý hiếm nầy hay không ?

Đặc biệt loài vượn nầy không hú dài như vượn trên dãy Trường Sơn, tiếng kêu của nó kỳ lạ, nghe giống như tiếng thỗi ống tre, họ gọi là thỗi Tù Và . Không biết bao nhiêu đàn và bao nhiêu con, từ đâu mà tập trung về ngọn núi nầy , một ngọn núi toàn là cây ăn trái, nhiều nhất là dâu .

Ở miền Trung dâu có 2 loại .
Loại dâu thường, trái lớn hơn ngón chân cái, vỏ dày , trái mọc từng chùm giống như nhản , bóc vỏ ra một bịch nước nằm trong lớp vỏ lụa mỏng,nhìn thấy hột, có cây ngọt thanh, có cây chua không nuốt nỗi .
Loại 2, dâu lóc vỏ , trái hơi nhỏ hơn , khi chín cầm bóp nhẹ là tự động bung vỏ ,vì vậy gọi là dâu lóc , giống dâu nầy đa phần là ngọt .
Hai loại dâu trên, mọc bát ngát trên núi Sơn trà , mùa Xuân lên đây thấy trái là ham , un từng đống ôm kín thân từ gốc lên cành , nếu hái hết một cây cũng có thể cân tới vài trăm kí lô , ngoài hai thứ nầy hòn núi còn nhiều loại cây ăn trái khác, tới mùa trái chín , thứ vỏ đỏ , thứ vỏ vàng, có loại thân gổ, có loại dây leo. Còn cái eo nằm hướng Đông của hòn núi toàn là ỗi và chuối, nói chung lại ngọn núi nầy có từ 50 % tới 60% cây ăn trái các loại .
Không biết lúc xưa núi hoa quả của Tề Thiên Đại Thánh có nhiều như ngọn núi nầy không ?
Đây là khu vực Quân sự, dân chúng không được vào, cho nên trái cây tha hồ ra , tha hồ chín, anh em chúng tôi thường leo lên chia xẻ trái chín với mấy chú vượn lông trắng, gốc nào ngọt, gốc nào chua đều biết .
(Cũng không phải dể lên đây để lục lội, nếu không gọi báo cho anh bạn Đại Đội Trưỡng phòng vệ Đài Ra Đa, họ sẽ nổ súng nếu thấy bóng người ).

Chúng tôi lên rất nhiều lần cố tình tìm xem giống vượn nầy ra sao, nhưng chưa khi nào thấy được rỏ ràng, tốc độ đu cành của chúng quá nhanh, chĩ thấy thoáng qua là mất dạng, nghe nói các nhà nghiên cứu động vật Hoa Kỳ nhiều lần đến đây giăng lưới bắt giống vượn nầy về khão nghiệm, có lẽ vì vậy nên thấy bóng người là chúng sợ phóng rất nhanh chẵng khác chi bay .

Mùa Đông năm đó mấy đứa bạn trong nhóm thường lên núi hái trái cây gọi điện thoại nói :

- Mày muốn coi Vượn Giáo Hoàng thì xuống phòng khám .

Chỉ báo vậy là cúp máy liền. Không hiểu nó nói gì, nhưng cũng cứ đi. Một cãnh tượng thật đau lòng, nhìn ứa nước mắt, trên giường nệm cỏ phủ tấm trải trắng của phòng khám, con vượn trắng chẵng khác chi tấm vải trải giường to bằng con chó thường, nằm dài, hai chân trước một cái đã rớt mất, chân còn lại cái bẫy cạp đeo tòn teng, loại bẫy nầy người dân tộc thường dùng bẫy heo rừng. Kế bên ,một con hơi nhỏ hơn cũng màu trắng, tay nâng cái bẫy, tay kia quạt quạt vào tay đứt của con nọ , thĩnh thoãng cúi xuống thỗi phù phù vào cánh tay cụt, máu đã khô, thật quá thãm thương, quá tội nghiệp .
Tôi hỏi mấy đứa bạn :
- Ai đặt bẫy .
- Không biết .
- Thế ai phát hiện .
- Mấy đứa lên làm gì trên sân bay trực thăng, thấy con vượn khác thường , lúc trước thấy bóng người là tuông chạy , hôm nay không chạy mà đứng nhìn , lộ nét hiền từ chầm chậm đi, mấy đứa tính tới bắt đem về nuôi , lại gần con nầy , nghe tiếng con kia rên trong bụi, phát hiện là nó đang bị mắc bẩy , một bầy trắng toát ngồi trên cây nhìn xuống, mấy đứa khiêng con bị thương về, con nhỏ đũng đĩnh đi theo , không biết đó là chồng, vợ, con, hay bạn bè đồng loại .

- Mầy thấy đó , rất thắm thía và đầy ắp tình người ?

Phòng Quân y của Đoàn chiều nay bận rộn với ca cấp cứu nầy. Sau mấy tuần chăm sóc họ ở trong chiếc lồng sắt, ngày xuất viện họ đi bên nhau trở về với núi xanh , hai con kêu (ẹc ẹc) quay lại nhìn có lẽ đó là lời cám ơn các ân nhân cứu mạng .

Bây giờ đứng nhìn những chòm mây trắng sà xuống cụm rừng trong thành phố của vùng đất mang tên Thung Lũng Tình Xanh , gợi nhớ lại ngọn núi Sơn Trà và hình ảnh hai con vượn, một tay quạt, miệng thổi phù phù. Tình thương, đang trao nhau trong chân tình hoạn nạn, tình thương của loài vật sao mà cảm động đến thế.

Qua cuộc sống với trăm ngàn cay đắng đã cho tôi một cảm giác, con người của thế giới hôm nay đã không còn biết, quạt cho nhau khi hoạn nạn, thổi cho nhau khi cuộc sống mang đầy thương tích, mà ngược lại, giăng bẫy sập để chực chờ nhau …

Phương Lâm Ngôn Nguyễn. Đoàn Công Tác 72  Nha Kỹ Thuật / Sơn Trà - Tiên Sa Đà Nẵng

No comments: