Tuesday, April 20, 2010

Thắng cảnh Sơn Trà và bóng tối của người lao động nghèo


Thắng cảnh Sơn Trà và bóng tối của người lao động nghèo
Monday, April 19, 2010






Trần Tiến Dũng/Người Việt
Tháng 4, mặt sông Hàn vẫn phẳng lặng chảy ngang hai bờ đô thị cũ và mới. Tp Ðà Nẵng trước mắt chúng tôi hôm nay là một đô thị lớn nhưng loãng. Những ai từng đến đây và từng có những ký ức đẹp từ nơi chốn thân thương này đều khó có thể giải thích vì sao Ðà Nẵng mới lại không tập trung. Phải chăng Ðà Nẵng hôm nay hướng đến chuẩn lấy việc phân chia dân cũ dân mới, người hèn kẻ sang mà sông Hàn là ranh giới. Phải chăng dù chỉ mới tượng hình là một đô thị hiện đại, Ðà Nẵng đã chạy theo khuynh hướng chuộng tô điểm hình thức “đô thị hàng hiệu” mà gạt đi sức sống thật của cả một cộng đồng lớn có không gian dung chứa đa dạng nhu cầu kiếm sống và quyền sống.

Thắng cảnh Sơn Trà và chùa Linh Ứng 3 nhìn từ phía xa lộ dọc theo bờ biển thành phố Ðà Nẵng mới. (Hình: TTD)

Một người bạn, làm nghề dạy học nói, “Các anh muốn đi ăn, muốn mua sắm hay nhờ một dịch vụ bình thường nào đó giống như người dân Ðà Nẵng thì phải đi ngược về bên kia sông Hàn, xa hơn cả chục cây số.” Ngày nay, du khách bình dân hay dân lao động được qui hoạch để chỉ đứng ngoài ngóng ngó mấy cái resort, khu mua sắm cao cấp lộng lẫy.

Người đàn ông đẽo đá gốc Quảng Bình đang hút thuốc lào bằng vỏ nhựa chai nước ngọt. Phải chăng người đàn ông nghèo tha hương này không có nổi một cái điếu cày bằng tre bình thường? (Hình: TTD)

Thắng cảnh Sơn Trà
Qua cầu quay sông Hàn, những chiếc xe gắn máy của chúng tôi rẽ trái, đi theo đường ven biển về phía bán đảo Sơn Trà. Ðây là đoạn đường mới mở nên vẫn còn đó những xác nhà chưa dọn sạch. Trên bờ biển, những chiếc thuyền thúng, thuyền nhỏ vẫn về bến mỗi buổi chiều. Cô bạn hướng dẫn nói, “Phải có thời gian mình ghé mua ghẹ, mực của mấy ngư dân nghèo này về ăn, tươi mà rẻ lắm anh.”

Ðẽo đá đến chảy máu tay cho tư bản ngoại và tư bản trong nước xây vila nghỉ mát và resort ăn chơi. (Hình: TTD)

Rồi cô không giấu vẻ tự hào nói tiếp, “Anh thấy mấy người mặc áo xanh đó không, họ là người đi dọn vệ sinh bờ biển đó. Làng chài ở đâu cũng dơ, ri chỉ Ðà Nẵng của em là sạch nhất.”
Chúng tôi hỏi, “Cô tiếc gì nhất một khi thành phố này thay đổi hơn nữa.”
Cô nói, “Tiếc là tiếc mấy cái đình, miếu thờ xưa, phải chi giữ lại một hai cái cũng được, ri xe ủi sạch sẽ rồi.”

Rác ở chùa Linh Ứng 3, một thắng cảnh mới khánh thành ở Sơn Trà. (Hình: TTD)
Càng gần bán đảo Sơn Trà cảnh núi, cảnh biển càng đẹp. Cảnh biển Sơn Trà đẹp đến mức nếu ai không vô cảm, vô ý thức thì lập tức sẽ thấy hốt hoảng khi nhớ rằng, ở ngay ngoài khơi kia, không hề xa Hoàng Sa đã mất, Trường Sa có nguy cơ mất và tất cả vùng biển của đất nước đẹp như hoa gấm này đang có nguy cơ bị cướp đoạt bằng vũ lực nếu không có quyết tâm.
Một người bạn trẻ khác nói, “Nếu muốn biết hiểm họa Trung Quốc gần đến mức nào thì chiều tối, từ chỗ khách sạn anh trọ, anh cứ đi vô mấy cái quán nhậu quanh đó, sẽ thấy rất đông công nhân Trung Quốc sau giờ làm ra ăn chơi hò hét.”
Nỗi bức xúc của người bạn trẻ đang thất nghiệp ở Ðà Nẵng này cũng giống như của một người bạn từ Quảng Nam ra nói với chúng tôi, “Một công ty mang danh Tân Tây Lan muốn nhờ tôi thu gom rong mơ, một loại rong quí ở vùng biển quê tôi. Nhưng khi biết đó là một công ty Trung Quốc núp bóng tôi từ chối làm với họ. Những vùng biển nhiều rong mơ là nơi cá chuồng và nhiều loại cá làm ổ đẻ, vét hết rong là tuyệt duyệt cá. Rồi bọn Trung Quốc cũng kiếm được bọn tham lợi khác vét rong mơ cho họ thôi, còn tôi từ chối làm với chúng để được thanh thản.”
Những người đẽo đá
Chúng tôi đến điểm nhô ra biển của bán đảo Sơn Trà. Rừng trên núi vẫn là rừng nguyên sinh với nhiều loại cổ thụ, người ta còn nói vẫn còn thấy khỉ má trắng quí hiếm xuất hiện ở đây. Nhìn những tấm bảng đề cấm phá rừng, cấm săn bắn, cấm lửa... giữa một vùng đất bắt đầu khai thác du lịch, ít nhiều, cũng khiến người ta cũng cảm thấy hy vọng núi rừng bán đảo Sơn Trà sẽ không rơi vào thảm trạng trụi lủi như nhiều nơi khác.

Giữa khu rừng nguyên sinh với những tấm bảng cấm phá rừng nghiêm ngặt, nhưng đã có đại gia nào đó ngang nhiên xây biệt thự nghỉ mát mới toanh. (Hình: TTD)

Ở một góc núi, nơi những chiếc xe ủi cỡ lớn vừa mới phá đường lấp đất chuẩn bị xây resort, chúng tôi gặp hai người đàn ông làm nghề đẽo đá. Hai anh cho biết là dân Quảng Bình vào. Công việc của hai anh là đẽo những khối đá mà xe ủi phá núi đưa ra, hai anh đẽo thành từng viên cho người ta xây móng làm resort, mỗi ngày một người đẽo được hai mét khối, giá mỗi khối là một trăm ngàn đồng. Hai anh ngày đẽo đá, đêm dựng lều ở tại chỗ, không cần phải mướn nhà trọ. Một người cười hề hề nói, “Nếu ở dưới phố ngủ cũng phải mất tiền, vợ con ở quê thế là khổ.” Lúc trò chuyện, một anh lấy thuốc lào ra hút, họ hút thuốc lào với cái điếu làm bằng vỏ chai nước ngọt. Nhìn khói thuốc lào bay trắng mặt anh, chúng tôi bỗng nhớ lại lời kể về những người công nhân Trung Quốc đêm đêm ngồi nhậu ngật ngưỡng dưới phố. Việc so sánh mức sống và lối sống của những người lao động khác quốc tịch là điều khiên cưỡng, nhưng người ta vẫn cứ nghĩ rằng: Những người Việt nghèo tha hương ngồi đẽo đá giữa Tp Ðà Nẵng hoành tráng này là những người đã và sẽ tiếp tục bị giật mất chén cơm bởi đội quân lao động giá rẻ Trung Quốc. Rồi đây những người nghèo VN không những không tìm thấy cho mình một chỗ quen thuộc ở tầng mức nghèo khổ nhất, mà còn nguy cơ phải bơi trong đêm tối mịt mùng giữa quê hương đất nước của mình.
Trần Tiến Dũng

No comments: