Thursday, April 29, 2010

Anh Phạm văn Hy

Trời Houston hôm nay bỗng  đổi gió
Một cánh dù lao vút bỏ thế gian
Anh bay vào cỏi Vĩnh Phúc Thiên Đàng
Ngập ánh sáng tỏa hào quang bất diệt

Anh mang theo bao nổi niềm luyến tiếc
Sở Liên Lạc tha thiết gọi tên anh
Người thân yêu anh nở bỏ sao đành
Còn quê mẹ ngày thanh bình đang đợi

Anh  Hy  Phạm đã vĩnh viễn đi rồi
Người Toán Trưởng của một thời vang bóng
Trong lòng  địch dồn dập lập chiến công
Để đáp lại tiếng non sông réo gọi

Anh Hy Phạm người Biết Kích sáng chói
Chí chưa thành bổ đồng đội  đành  sao
Dù tung mây chú Lôi Hổ thuở nào
 Nha Kỹ Thuật luôn nêu cao sỹ khí .

Nhìn Tổ Quốc còn trăm ngàn hệ lụy
Xin phù trỳ những gì còn dang dở
Một nén nhang với muôn ngàn nhung nhớ
Nước Trời hẹn tái ngộ  một ngày mai .

 Ngôn  Nguyễn CĐ3XK/SLL.

"Hôm nay, hãy cho tôi làm người Việt Nam"


Wednesday, April 28, 2010


Bà Michelle Steel, Ủy Viên Hội Ðồng Thuế Tiểu Bang California. (Hình: Tư Liệu Người Việt)
LTS - Bà Michelle Steel, Ủy Viên Hội Ðồng Thuế Tiểu Bang California, trong một thư gởi nhân dịp Cộng Ðồng Việt Nam tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư, viết rằng: “Ngày này, hãy cho phép tôi làm người Việt Nam.” Bà Steel là một người Mỹ gốc Hàn Quốc, có hoàn cảnh tương tự người dân Việt Nam, đất nước chia đôi vì Cộng Sản. Nhân dịp tưởng niệm 35 năm, Biến Cố 30 Tháng Tư, Tòa Soạn xin đăng tải nguyên văn thư ngỏ này, của một thành viên cộng đồng láng giềng, với cộng đồng Việt Nam, như một lời chia sẻ.
Hôm nay, hãy cho phép tôi được cùng cộng đồng Việt Nam trên khắp nước Mỹ, tưởng niệm 35 năm biến cố 30 Tháng Tư, ngày Sài Gòn thất thủ.
Tương tự các bạn, mẹ sinh thành ra tôi đã bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương, vì sự xâm chiếm của Cộng Sản Bắc Hàn. Thân mẫu tôi đã phải bỏ lại tất cả tài sản tại Seoul, tự lực cánh sinh đi tìm thực phẩm, đi tìm những nơi nương náu tạm, khi Chiến Cuộc Triều Tiên lên đến đỉnh điểm của sự tàn khốc.
Cá nhân tôi, sinh ra trong một đất nước bị chia đôi vì Cộng Sản, và hàng triệu gia đình phải ly tán, vì sự phân chia ấy.
Kinh nghiệm của chính cá nhân tôi khiến tôi đồng cảm với nỗi đau và mất mát của người Việt Nam. Ai có thể hình dung thảm kịch nào có thể xảy ra, cách đây 35 năm, khi người lính Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cuối cùng rời khỏi Việt Nam? Tương tự các bạn, tôi đau buồn khi nhìn thấy nhiều, rất nhiều, đồng hương miền Bắc của tôi, phải mưu sinh vất vả cho những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Và họ thực hiện cuộc mưu sinh ấy dưới sự đàn áp của một chính quyền Cộng Sản.
Hôm nay, với sự thông cảm sâu xa, tôi và những người Hoa Kỳ gốc Hàn yêu tự do, xin nghiêng mình cùng cộng đồng Việt Nam, những người có lịch sử tương đồng với chúng tôi.
Chúng ta, cả hai cộng đồng Hàn và Việt, mong chờ một ngày đất mẹ được hoàn toàn tự do và dân chủ.
Nhân ngày tưởng niệm biến cố đau buồn 30 Tháng Tư của các bạn, tôi xin được cùng các bạn vinh danh tất cả những ai đã hy sinh cuộc sống mình để bảo vệ tự do. Chúng ta cũng cùng nhau tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt Nam khác đã chết trên đường đi tìm tự do.


Hôm nay, hãy cho tôi làm người Việt Nam.


Kính


Michelle Steel
Ủy Viên Hội Ðồng Thuế California

Tuesday, April 27, 2010

Anh Hùng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa / 5 Vị Tướng Tuẫn Tiết


Anh hùng há quản tử sinh
Thành thất tòng thành .
 Tiết tháo ngàn năm bia đá tạc
Hào kiệt sá chi thành  bại
 Quốc vong tuẫn quốc
Trung kiên vạn đại sữ vàng ghi .
 (  Xuân Viên  ).

Monday, April 26, 2010

THÁNG 4! HẸN CHUYẾN HỒI HƯƠNG

Tháng 4! Tận tuyệt quan san
Về đâu một thuở dọc ngang với đời!?
Thiên di trên cánh trùng khơi
Bạn, tôi đi giữa đầy vơi phận người
Chia nhau cay đắng, ngọt bùi
Gượng vui bằng những tiếng cười vô thanh
Nhắc nhau những chuyện ngày xanh
Nhánh trầm kha vẫn đơm cành thủy chung
Đã đành treo kiếm, bẻ cung
Vẫn còn đây tấm lòng trung rạng ngời
Núi sông dù rất xa vời
Màu Cờ, sắc Áo ngập trời viễn phương
Tháng 4! Dốc cạn hồ trường
Nhớ hoài một thuở cùng đường...trắng tay
Bể dâu, thời cuộc, đổi thay
Rượu thề bến Dịch còn quay quắt lòng
Bờ xa đếm bước lưu vong
Mặc cho năm tháng khép vòng tử sinh
Gần nhau bằng những thân tình
Của thời luân lạc, của khinh mạng đời
Nén thêm phiền muộn rã rời
Giữ trong tim kỷ niệm thời gió sương
Bạn, tôi lữ thứ dặm trường
Gặp nhau tặng chút thân thương kết tình
Dìu nhau qua cõi vô minh
Vượt cuồng lưu đỏ, đón bình minh tươi
Mong ngày nắng ấm môi cười
Đường mây cố quốc nối đời tha phương
Tháng 4! Hẹn chuyến hồi hương
Bạn, tôi về giữa phố phường hoan ca!


HUY VĂN

Tiếng gọi non sông .

Đất nước trải dài bốn ngàn năm
Chiến thắng rền vang tích Nỏ Thần
Phá tan quân giặc bao hồi trống
Quốc Toản,Mê Linh thấy thật gần .


Tháng tư buồn ,quả thật quá xa
Cùng nhau nhìn lại nước non nhà
Trại tù sao mọc dày như nấm
Thảm thương số phận Việt Nam ta .


Xin hãy cùng nhau nhìn lại xem
Khắp cùng đây đó tiếng kêu oan
Người dân lương thiện kê đầu súng
Giặc chiếm đất ta ,trố mắt nhìn .


Sông núi oán than vạn nỗi sầu
Có nghe tiếng gọi thiết tha mau …
Hãy mượn ngựa sắt roi Phù Đỗng
Tô lại Việt Nam một sắc màu .


Ngôn Nguyễn 72 SCT .

Saturday, April 24, 2010

TÂM THƯ NGÀY QUỐC HẬN


Vĩnh Hiếu
Phi Đoàn 215, Thần Tượng
Kính thưa quý vị Niên trưởng cùng các chiến hữu,
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam sau hai mươi năm khói lửa. Đó cũng là ngày đánh dấu một khúc quanh lịch sử. Một khúc quanh lịch sử đen tối và đau thương nhất cho dân tộc Việt Nam!
30 tháng 4 là ngày Quốc Hận! Tại sao chúng ta gọi là ngày Quốc Hận? Một số người đã hiểu ý nghĩa của ngày Quốc Hận dưới một ý nghĩa hạn hẹp và tiêu cực.
Hận đây không phải chỉ là hận thù bọn Cộng đỏ mà thôi!
Hận là vì công lý và chính nghĩa đã không thắng được bạo lực và độc tài.
Hận là vì một quân đội thiện chiến và đầy kinh nghiệm đã không có cơ hội để chiến đấu chống lại giặc xâm lăng tới giây phút cuối cùng.
Hận là vì miền Nam Việt Nam Tự Do đã không may ở trong một giai đoạn chính trị thế giới bất lợi, và đã bị hy sinh để trở thành một con cờ thí cho quyền lợi của những nước cường quốc.
Ngày 30 tháng 4 là một ngày để cho hằng triệu người Việt lưu vong trên khắp thế giới, cũng như những chiến sĩ như chúng ta, dương cao lá cờ chính nghĩa và đốt lên ngọn lửa thiêng để tranh đấu cho tự do hạnh phúc của đất nước thân yêu. Đồng thời để nhắc nhở cho con em chúng ta, thế hệ kế tiếp, nếu cần!.. tiếp tục thay thế chúng ta trên con đường đấu tranh dành độc lập cho quê hương.
Đúng ba mươi lăm năm trôi qua, bọn Cộng Sản Việt Nam đã rêu rao, huênh hoang về cái chiến thắng 30 tháng 4. Nhưng cái chiến thắng đó chỉ là một kết quả đương nhiên!.. khi chúng đã được sự hậu thuẩn quân sự mạnh mẽ của các nước đàn anh Cộng Sản. Trong khi quân đội VNCH và miền Nam Tự Do đã bị đồng minh bỏ rơi không một chút thương tiếc. Chúng ta, cho dù đã có một quân đội hùng mạnh, thiện chiến và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương tới cùng, nhưng chúng ta không thể chiến đấu khi khẩu súng không còn một viên đạn!
Cho dù bọn Cộng Sản đã chiến thắng miền Nam tự do, trên bình diện quân sự, nhưng chúng đã thất bại trên bình diện nhân tâm. Đồng bào miền Bắc đã bị chúng lừa gạt với chiêu bài “Giải phóng miền Nam”, “Chống Mỹ Cứu Nước”, qua những thủ đoạn đàn áp, bưng bít, che dấu sự thật.
Tới giờ phút này, tất cả sự thật đã phơi bày! Ba mươi lăm năm trôi qua, cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chỉ là một cái vỏ rỗng tuếch, được lãnh đạo bởi một đảng Cộng Nô, bán nước. Bọn Cộng Sản Việt Nam đã đem dâng hiến nhiều phần đất của ông bà tổ tiên để lại cho quan thầy của chúng, như Hoàng Sa và những phần đất biên giới miền Bắc v.v. với một mục đích được vinh thân phì gia và tiếp tục làm giàu trên xương máu dân lành. Những tên lãnh đạo đầu sỏ Cộng Sản, vô học, coi mạng sống con người như cỏ rác, luôn luôn hô hào, chủ trương một chế độ vô sản nay đã trở thành những tên ngồi trên tiền rừng bạc biển, xe hơi nhà lầu, con cháu đi du học ngoại quốc, xài tiền như nước… Trong khi đại đa số dân chúng vẫn lầm than đói khổ.
Để che mắt dư luận thế giới, chúng đã đưa ra chiêu bài ” TỰ DO, ĐỘC LẬP, HẠNH PHÚC”. Không thể nào có tự do hạnh phúc khi đất nước được lãnh đạo bằng một tập đoàn Cộng Sản, tham quyền cố vị, tham nhũng thối nát!
Tự do và hạnh phúc chỉ có được dưới một thể chế dân chủ!
Sự hiện hữu của một thể chế độc tài, tham nhũng, thối nát không thể nào tồn tại lâu dài khi Tự Do và Hạnh Phúc của người dân lành vẫn còn bị đàn áp, bóp chẹt!..
Lịch sử là những chuỗi dài nối tiếp của những sự kiện thăng trầm, đổi thay… Lịch sử chưa ngừng tại đây và đang còn tiếp diễn!

Friday, April 23, 2010

Tháng tư nào trở lại .


Mắt trủng sâu quay nhìn về tháng nớ
Ba mươi lăm năm rồi cứ ngỡ hôm qua
Tay buông súng mắt ngấn lên nhạt nhòa
Tim vẫn đập thân hầu như đã chết .


Tháng tư về chồng chất bao oan nghiệt
Gánh xiềng xích người dân Việt oán than
Ãi Nam Quan, bản Giốc đã không còn
Rừng với biển ôi giang sơn gấm vóc .


Tháng tư về cã trời Nam bật khóc
Vành khăn sô thương xót giãi sơn hà
Đốt nén nhang tưỡng niệm đão Trường Sa
Đau xót quá, ơi tháng tư oan nghiệt .


Tháng tư về, triệu triệu người dân Việt
Nỗi kinh hoàng bỏ đất nước ra đi
Tháng tang sầu, tháng tữ biệt chia ly
Ôi đất nước vì sao ra nông nỗi ?.


Tháng tư về lòng ta luôn tự hỏi
Tháng tư nào sẽ trở lại quê hương
Mấy ngàn năm giữ nước chí kiên cường
Noi chí lớn hãy lên đường giới trẻ .


Để lấy lại những gì cho quê Mẹ
Để được nghe tiếng vọng của quê hương
Để không còn sống tủi nhục đau thương
Để dân Việt trường ca khúc hoàn khãi .

Phương Lâm Ngôn Nguyễn .

Viết cho con những ngày cuối tháng 4: ‘Ðứng thẳng làm người, con nhé!’


LTS: Blogger Mẹ Nấm, bút danh của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 31 tuổi, hiện sống ở Nha Trang, trong sự khống chế của công an CSVN.

Chị bị bắt hồi tháng 9, 2009 cùng một khoảng thời gian gần nhau với một số bloggers có tiếng khác như Người Buôn Gió, Trang Ridiculous. Một trong những mẫu số chung của vụ bị bắt là họ đều mặc áo thun màu vàng lá mạ phía ngực có hàng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” còn mặt lưng có bản đồ Việt Nam với bảng hiệu ám chỉ cấm trong đó có chữ bauxit và Trung Quốc. Họ cũng là những người viết báo mạng cá nhân (blogs) bày tỏ lòng yêu nước trước hiểm họa bắc thuộc và nguy cơ mất dần biển đảo do tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Quốc.
Tuy không phản là tội phạm, nhưng Như Quỳnh đã không được cấp hộ chiếu xuất cảnh hồi tháng 2 vừa qua, lý do chính thức không được xác nhận.
Dù bị theo dõi, gia đình bị áp lực của công an CSVN, Blogger Mẹ Nấm bị xóa Blog Mẹ Nấm vẫn viết trên “Blog Bạn của Mẹ Nấm.”
Bài viết dưới đây qua hình thức một bức thư gửi cho con khi gần tới ngày 30 tháng 4, ngày miền Nam tự do bị Cộng Sản nhuộm đỏ, đưa cả nước vào guồng máy độc tài đảng trị. Mẹ Nấm dặn con, khi lớn lên “hãy đứng thẳng làm người.”


19 tháng 4, 2010


Nấm thân yêu,
Mẹ viết cho con những dòng này, sau khi cân nhắc và tẩy xóa khá nhiều lần.
Lá thư cuối tháng 4 này được mẹ viết giữa những bộn bề suy nghĩ, đắn đo.
Những tưởng, chúng ta có thể bỏ lại sau lưng khoảng thời gian khốn khó, những tưởng mọi thứ lại trở nên bình thường sau bao nhiêu cố gắng của mẹ, những tưởng...
Mọi thứ không hề bình yên chút nào con ạ, bởi mái nhà của chúng ta, khoảng sân con thường chơi, góc nhà con nằm ngủ, chỉ cần có một chữ ký xác nhận là nó sẽ chẳng thuộc về chúng ta nữa.
Mẹ nghĩ mãi mà không ra, căn nhà đó, nếu vì bất cứ lý do nào mà mẹ không quay về, thì cũng không ai có quyền xác nhận là mẹ không tạm trú ở đó, bởi ngoài mớ giấy tờ chi chít dấu đỏ hợp thức hóa sự hiện diện của mẹ, thì vẫn còn có một mối dây liên kết vô hình phải không con?
Huống hồ chi, vì lý do an toàn cá nhân, và cả an toàn trong tinh thần của mình, và để chấm dứt cái cảnh nay ông trưởng thôn đến hỏi, mai lại có nhiều cặp tình nhân lảng vảng quanh nhà, để tránh cái cảnh căng thẳng và những bức xúc không cần có, mẹ muốn tịnh tâm, muốn con yên bình.
Chủ Nhật, ngày 18 tháng 04 năm 2010 - mẹ muốn con nhớ ngày này, cái ngày mà những người nhân danh luật pháp, vì muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, đã “nhờ” ba con ký giấy xác nhận rằng: mẹ con ta không còn ở trong căn nhà của mình nữa.
Lý do và động cơ nào khiến họ làm việc đó thì mẹ không biết, thực lòng mẹ cũng không muốn biết, bởi ở đất nước này, sẽ có 1001 lý do được đưa ra bất cứ khi nào, bất cứ lúc nào người ta muốn.
Mẹ viết lại những chuyện này, không phải để trách móc ai. Mẹ chỉ muốn con biết rằng, đã từng có một thời điểm khó khăn để ba mình quyết định nên làm thế nào cho đúng và cho phải.
Mẹ ghi lại những điều này không phải để điểm mặt chỉ tên ai, mà mẹ muốn con biết rằng, mai này, có những loại công việc, nó sẽ quyết định nhân cách của mình. Người chọn nghề, hay nghề chọn người, điều đó không quan trọng, mà điều quan trọng nhất của một con người, là biết tự mình phân biệt đúng sai, và lựa chọn cách hành xử làm sao cho nên “người” nhất. Tuyệt đối, không được phép nhân danh nghề nghiệp, mà quên đi nhân cách của mình, con à.
Có thể mai này lớn lên, con sẽ thắc mắc rằng, tại sao mẹ lại “hân hạnh được chiếu cố” đến vậy? Lẽ ra, mẹ có thể lựa chọn khác đi, để ba con vui lòng, để mọi người được an nhàn, nhưng tại sao mẹ không làm thế?
Mẹ sẽ chỉ im lặng, bởi mẹ không trả lời con được.
Bởi vì, mẹ cảm nhận được dòng máu đang chảy trong người mẹ, buộc mẹ phải suy nghĩ và hành động như vậy. Mẹ đã từng suy nghĩ, tại sao mình không làm khác đi được?
Và, mẹ không tìm được câu trả lời.
Những ngày cuối tháng 4, khi viết những dòng này cho con, mẹ nhớ đến lá thư mà bác P. viết cho con trai mình năm ngoái. Một lá thư xúc động, và cũng làm khá nhiều người khó chịu, bởi nó là lời trần tình của một người cha dành cho con trai mình về quê hương thân yêu.
Mai này con lớn lên, sẽ phải học nhiều thứ về lịch sử, mẹ đã hứa với lòng mình, sẽ dạy con đánh vần hai tiếng “quê hương” thật trọn vẹn, sẽ chỉ cho con xem những dấu tích đớn đau trên thân xác đất nước mình. Tháng 4 mà mai này con được học, sẽ không chỉ có cờ hoa rực rỡ, mà nó còn là nước mắt và máu của rất nhiều người.
Tháng 4 là tháng mà mẹ sẽ dạy con, là biết nhìn nhận, biết lắng nghe và biết suy nghĩ trước những gì lịch sử đã trải qua. Ðó thực sự không phải là chiến thắng, mà chỉ là một cuộc chuyển giao quyền lực đầy đau đớn của dân tộc mình.
Quê hương này là của mẹ, của con, của mọi người Việt Nam.Làm gì có ai thắng cuộc, khi cả dân tộc này bị chậm tiến so với các nước bạn phải không con?
Mẹ sẽ không dạy con những điều cao siêu đầy lý tưởng, không dạy con yêu kính những giá trị không hề có thật được tô vẽ.
Mẹ sẽ chỉ dạy con rằng ngoài việc yêu bản thân mình ra, yêu ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng mình, yêu những người xung quanh mình, yêu cả nơi mà con sinh ra và lớn lên - là Việt Nam. Nơi sản sinh một dân tộc da vàng, thấp bé, nhưng thông minh và can đảm chẳng kém ai.
Có thể rồi con sẽ “được” học, được nghe, được xem và bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa mang tên Trung Quốc, rõ ràng là điều này sẽ xảy ra, bởi chúng ta đang phải sống chung với nó, phải đối mặt với nó trong cuộc sống hàng ngày mà không có sự chọn lựa nào khác.
Nên vì thế, mẹ viết những dòng này để con nhớ rằng, dù sự đô hộ của Trung Hoa cách đây 1000 năm đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng nhiều người Việt, thì giấc mơ “Hán” hóa nước Việt Nam bằng nhiều cách thức, nhiều thủ đoạn cũng sẽ chỉ là giấc mơ của tên láng giềng đầy lòng dã tâm.
Bởi lịch sử đã và sẽ đang viết tiếp tinh thần No China từ 1000 năm trước con à!
Một mai con khôn lớn, đọc lại những dòng này, mẹ hy vọng con sẽ hiểu hơn những gì mẹ đã nghĩ, đã làm chỉ vì muốn con có thể học được bài học đứng thẳng làm người, con nhé!


Mẹ yêu con!

Thursday, April 22, 2010

NHỮNG HỒN OAN CHƯA SIÊU THOÁT Ở KATYN


Tai nạn máy bay ngày 10.4.2010 tại Smolensk làm thiệt mạng Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và đoàn tùy tùng gần 100 người đã làm sống dậy một trong những thảm kịch đen tối nhất của Trận Thế Chiến II liên quan đến tội ác của Cộng sản Xô-viết do Joseph (Josef) Stalin chủ mưu.
Bảy mươi năm trước đây, một ngày vào mùa xuân năm 1940, hơn 15,000 sĩ quan Ba Lan đã bị mật vụ Liên-xô NKVD hạ sát tại khu rừng Katyn, gần Smolensk trên đất Nga. Cuộc tàn sát được thi hành theo lệnh của Josef Stalin đã diễn ra một cách lạnh lùng có tổ chức như một vụ xử tử tập thể.
Số sĩ quan này đã bị Hồng quân Xô-viết bắt làm tù binh vào tháng 9, năm1939 sau khi quân đội Ba Lan bị tràn ngập do hai cuộc tấn công xảy ra cùng một lúc: quân lính của Stalin từ phía đông và quân lính của Hitler từ phía tây, mở màn cho trận Thế Chiến II. Hai cuộc tấn công phối hợp nhịp nhàng này là một âm mưu ô nhục giữa Stalin và Hitler qua một thoả ước được hai ngoại trưởng Molotov (Xô-viết) và Ribbentrop (Đức) ký chỉ vài ngày trước cuộc xâm lăng.
Trong số những người Ba Lan bị quân đội Xô-viết bắt làm tù binh có 15,400 sĩ quan được Stalin ra lệnh giam giữ tại ba trại đặc biệt: Kozielsk, Ostaszkow và Starobielsk. Những quân nhân Ba Lan này hầu hết là sĩ quan trừ bị có nghề nghiệp chuyên môn và là những thành phần ưu tú trong xã hội: luật sư, kỹ sư, giáo sư đại học, giáo chức mọi cấp, giáo sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, bác sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, chính trị gia, các nhà thể thao danh tiếng – nói chung là thành phần nòng cốt của xã hội Ba Lan. Stalin và giới lãnh đạo Xô-viết đã quyết định làm một cuộc “giải phẫu xã hội” để cắt bỏ bộ não ra khỏi thân thể nước Ba Lan với mục đích tạo dễ dàng cho sự chiếm đóng lâu dài và áp đặt chủ nghiã cộng sản tại nước này. Họ đã thực hiện tội ác này bằng cách trói quặt hai tay của những người tù binh Ba Lan ra sau lưng, nhét mạt cưa vào mồm họ để không thể la hét và bắn một viên đạn vào phiá sau đầu họ trong khu rừng Katyn. Đạn được sản xuất tại Đức, dây thừng Xô-viết, và mạt cưa lấy tại chỗ.
Cuộc liên minh tội ác giữa Stalin và Hitler không kéo dài khi Hitler xé bỏ thoả hiệp 1939, xua quân tấn công nước Nga, và Stalin trở thành đồng minh với Mỹ và Anh để chống lại Hitler! Sau Thế Chiến II, Điện Kremlin đã tung ra một chiến dịch tuyên truyền lừa dối rộng lớn để che đậy tội ác và kể công đã giúp giải phóng Âu Châu, trong khi chính nhờ sự tiếp tay của Stalin và quân đội Xô-viết, Quốc xã Đức đã chiếm Ba Lan nhanh chóng và khai thác tiềm năng nước này về kinh tế cũng như quân sự để xâm lăng Tây Âu.
Về vụ thảm sát 15,400 tù binh Ba Lan, Stalin đã đổ tội cho quân Đức của Hitler và coi như là một trong những sự tàn bạo của Quốc xã Đức trong Thế Chiến II. Sự thật về vụ thảm sát Katyn đã bị che đậy suốt 50 năm trong âm mưu bóp méo lịch sử của Điện Kremlin và thế giới cũng im lặng chấp nhận. Cho đến ngày 16.2.1989, nước Ba Lan đang chuyển động mạnh trước làn sóng đấu tranh đòi tự do, nhà cầm quyền Cộng sản đã công bố một hồ sơ xác nhận trách nhiệm của mật vụ Xô-viết NKVD trong vụ thảm sát Katyn. Và năm sau, Mikhail Gorbachev, tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên-xô, công nhận NKVD đã thi hành vụ giết tù nhân tập thể ấy. Nhưng cho đến nay, nước Nga chưa bao giờ chính thức xin lỗi Ba Lan và giới lãnh đạo Liên bang Nga ngày nay cũng tránh bàn cãi về thoả ước 1939 giữa Liên-xô và Quốc-xã Đức, và về việc Liên-xô xâm lăng Ba Lan cùng Hitler mở đầu cuộc Thế Chiến II.
Gần đây, chính quyền Liên bang Nga đã có những bước tiến để hàn gắn mối quan hệ không tốt đẹp với nước láng giềng Ba Lan, như cho phép chiếu trên truyền hình Nga trong tháng này cuốn phim tài liệu “Katyn” với giám đốc sản xuất là Andrzej Wajda, người Ba Lan có cha đã bị giết tại Katyn năm 1940. Ngày 7 tháng 4, năm 2010, chính phủ Nga đã tổ chức một lễ tưởng niệm các nạn nhân tại Katyn với sự tham dự của Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nga tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân cuộc thảm sát Katyn, và Ông Putin đã nói trong buổi lễ: “Chúng tôi cúi đầu trước những người đã chết một cách dũng cảm tại đây.”
Tổng thống Kaczynski đã không tham dự buổi lễ chung này vì là một người nặng tinh thần quốc gia và nghi kỵ người Nga. Ba ngày sau, ngày thứ bảy 10.4, ông đã cùng vợ và đoàn tuỳ tùng cao cấp trong chính phủ Ba Lan tới Katyn để tham dự một buổi lễ tưởng niệm riêng. Chính trên đường tới phi trường Smolensk ở gần Katyn, phi cơ đã bị rơi và không một ai sống sót.
Tai nạn thảm khốc này đã gây xúc động mạnh tại Ba Lan và nhiều nơi trên thế giới. Cùng với đám mây mù che phủ vụ Katyn trong quá khứ, cái chết của Tổng thống Kaczynski và phái đoàn chính phủ Ba Lan đã tạo ra những giả thuyết về một âm mưu trong vụ máy bay gặp nạn, nhưng những tin tức chính thức ban đầu đều nói rằng máy bay rơi là do lỗi của phi công đã cố đáp xuống phi trường Smolensk trong lúc trời nhiều sương mù và nhân viên kiểm soát không lưu khuyên nên đáp xuống phi trường khác gần bên. Phi cơ đã đụng vào ngọn cây và rơi xuống một khu rừng.
Sau tai nạn này, có vẻ chính phủ Nga đang làm mọi cách để tỏ thiện chí. Thủ tướng Putin đã bay tới Smolensk để đích thân điều tra về tai nạn cùng với Thủ tướng Ba Lan Tusk từ Warsaw tới. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đang ở Washington DC tham dự hội nghị thượng đỉnh về kiểm soát võ khí nguyên tử đã trả lời một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình tiếng Anh “Russia Today”, trong đó ông đã xác nhận các sĩ quan Ba Lan bị giết tại Katyn năm 1940 là do lệnh của chính quyền Xô-viết do Stalin cầm đầu.
Nhưng, đang có những áp lực lên chính phủ Nga để phải làm hơn là những cử chỉ và lời nói có tính cách hình thức hơn là giải quyết dứt khoát vụ Katyn. Trước hết, chính phủ Nga phải nhìn nhận vụ thảm sát này là một tội ác chiến tranh chống lại Ba Lan do Stalin chủ mưu với mục đích loại trừ giới lãnh đạo nước này để biến thành một nước cộng sản chư hầu. Đồng thời chính thức xin lỗi Ba Lan. Thứ hai, tất cả hồ sơ đang bị khoá kín liên quan đến sự tàn bạo của Liên-xô cần được mở cho các sử gia để biết rõ tất cả sự kiện đã xảy ra cũng như danh tánh các thủ phạm, từ người ra lệnh đến kẻ thi hành, và làm cách nào tội ác ấy đã bị che đậy trong suốt 50 năm. Thứ ba, chính quyền Nga công khai hoá đầy đủ vai trò của Stalin và Liên-xô trong Thế Chiến II, từ khi là đồng loã với Hitler cho đến khi trở thành nạn nhân, và chiến thắng.
Ngày 9 tháng 5 tới đây, chính quyền Nga sẽ tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm lần thứ 65 chiến thắng cuộc Thế Chiến II tại Mạc-tư-khoa. Nếu những người lãnh đạo chính quyền ấy đã thực sự dứt khoát với quá khứ đen tối 70 năm dưới chế độ cộng sản, họ cần có can đảm nói lên sự thật, vạch trần những tội ác do chế độ ấy đã gây ra.
Khách quan mà nói, việc Stalin thủ tiêu 15 ngàn tù binh Ba Lan để mở đường cộng sản hoá nước này chỉ là một tội ác trong những tội ác kinh tởm hơn mà các chế độ cộng sản ở mọi nơi đã thi hành đối với nhân dân của chính mình. Theo ước tính của các tác giả cuốn “Livre noir du communisme”, Cộng sản Xô-viết đã giết 20 triệu người Liên-xô, Cộng sản Trung Hoa đã giết 65 triệu người Tàu, Cộng sản Bắc Hàn đã giết 2 triệu người Triều Tiên, Cộng sản Kampuchia (Khmer Đỏ) đã giết 2 triệu người Miên, Cộng sản Việt Nam đã giết hơn một triệu người Việt (không kể những người cầm súng bị chết ngoài chiến địa).
Giáo sư Alan C. Cors tại Đại học Pennsylvania đã nhận định như sau về tội ác của cộng sản đối với nhân loại:
“Trong lịch sử loài người, chưa từng có lý cớ nào đã sản xuất nhiều bạo chúa máu lạnh, nhiều người vô tội đã bị tàn sát và nhiều trẻ mồ côi hơn là chủ nghĩa xã hội khi nắm quyền. Nó vượt qua với cấp số nhân tất cả các hệ thống khác trong việc sản xuất xác chết.”(*)
Vì lý do gì mà chính quyền Liên bang Nga tiếp tục che đậy tội ác của Cộng sản Xô-viết sau khi nó sụp đổ đã gần 20 năm?


Sơn Tùng
22.4.2010


(*) “No cause, ever, in the history of mankind, has produced more cold-blooded tyrants, more slaughtered innocents and more orphans than socialism with power. It surpassed, exponentially, all other systems of production in turning out the dead.”

Wednesday, April 21, 2010

NGƯỜI “MAY” ÁO QUAN

            Viết thay nén hương đưa tiễn mt Người Lính.
Tôi là lính ra tù không manh áo
Vượt qua bao lửa máu tìm bình an,
Mưu sinh nghề đánh bóng những áo… quan
Đổi bát gạo nuôi đàn con nheo nhóc.

Mỗi chiếc “áo” làm ra tôi đều khóc
Nhớ bạn bè đất Bắc da bọc xương
Chiếu rách tìm, dù nhỏ hẹp tầm thường
Cũng không có bọc xác thân cùng cực.

Tay xóc dằm, gò từng manh… ký ức
Đóng, đục, cưa cho người lạ nằm vừa,
Lót vải êm bao hòm gỗ cài hoa
Và nước mắt cứ ứa… ngày bi lụy.

Tôi sáng, tối gò từng manh gỗ quý
Thương bạn thân, những thằng đã ra đi
Xót vợ hiền tần tảo bao hiểm nguy
Nuôi con dại chờ chồng, không thấy mặt.

Ngày em mất trời mưa râm bi đát
Hai thằng con ráp những mảnh ván giường
Giữa ruộng nương “kinh tế mới”, thắp hương
Nhường mẹ… ngủ bình an nơi cõi Phật.

Tôi may áo, áo cho người hoàn tất
Mà dân tôi áo rách đỏ “thiên đường”
Người lạ xa, thân được tẩm thơm hương
Xong một áo, áo nào tôi cũng khóc!

Tôi may áo bằng mưu toan đại cuộc
Buộc thân tàn phải âm ỷ lòng son
Dạy các con: -Chiếc Áo Mộng chưa tròn
Còn ấm áp, phải yêu hoài Tổ Quốc!

Ý Nga, 2.1.2010.

VIÊN GẠCH LÓT ÐƯỜNG


 Gia Đình Nha Kỹ Thuật

Ngày xưa, thi sĩ Nguyên Sa gọi ông là Kinh Kha. Trên báo Ðời số đặc biệt năm 1982 xuất bản ở quận Cam, nhà văn Hư Trúc gọi ông là Mặt Trời Không Bao Giờ Lặn. Ðồng bào Việt ở Úc Châu gọi ông là Chiến Sĩ. Báo chí Hoa Kỳ gọi ông là Người Tù Anh Hùng. Trên tờ báo lớn ở miền Tây Úc, ký giả nổi tiếng Norman Aisbett gọi ông là Ðại Tá Cô Ðơn. Trong quân đội tên ông là Võ Ðại Tôn, với bí danh Wòng-A-Lìn. Ngoài văn giới ông mang bút hiệu Hoàng Phong Linh. Và sau cùng, khi tìm đường gai góc mà đi, ông tự coi mình là Viên Gạch Lót Ðường.
Với chuyến trở về vào đầu thập niên 80, viên gạch quý của chúng ta được sản xuất tại miền đất Quảng anh hùng đã làm nên lịch sử. Khi tin tức về cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 13-07-1982 được loan báo trên hầu hết các hệ thống truyền thông thế giới, đồng bào Việt Nam hải ngoại lập tức coi Võ Ðại Tôn như là một biểu tượng chung của người quốc gia đang tìm đường quang phục quê hương.
VODAITON 01.jpg
VODAITON 02.jpg
VODAITON 03.jpg


Ðoạn phim ngắn của truyền hình Nhật Bản đã làm nhỏ lệ biết bao khán giả xen lẫn niềm hãnh diện vốn đã vắng bóng từ lâu. Từ màn ảnh nhỏ, Võ Ðại Tôn xuất hiện vĩ đại, bất khuất. Một trận thư hùng đã mở màn. Một bên là toàn thể bộ máy cầm quyền, cao ngạo, hùng mạnh, khốc liệt và vô cùng hiểm độc. Một bên là người tù biệt giam, cô đơn, đói khát, tuyệt vọng. Ðây là cuộc chiến của một người chống một chế độ trước ống kính của truyền hình, máy ảnh và những cây bút ghi chép đại diện cho hàng trăm cơ sở truyền thông trong và ngoài nước. Trong số này có trên 10 phóng viên ngoại quốc đã được Hà Nội triệu tập khẩn cấp từ Vọng Các qua. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trong khi đó, nhà cầm quyền Hà Nội úp mở nói rằng sẽ cho trình diện một gián điệp của Hoa Kỳ và của tình báo Thái, xâm nhập vào làm công tác phá hoại Việt Nam.

Từ loa phóng thanh, tiếng viên Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin Cộng Sản Hà Nội, Lê Thành Công, chủ tọa và điều hợp buổi họp báo vang lên: Ðây là tên tay sai của trung ương tình báo Hoa Kỳ CIA.
Với gương mặt khắc khổ và cặp mắt cương nghị, người đàn ông họ Võ, sinh năm 1936 tại Ðà Nẵng cúi đầu chào cử tọa. Tiếp theo ông đứng lên phía sau một chiếc bàn gỗ ghé đầu xuống micro: Tôi, Võ Ðại Tôn, chỉ huy trưởng Chí Nguyện Ðoàn Phục Quốc, tôi xác nhận hoàn toàn chịu trách nhiện về dự mưu xâm nhập Việt Nam...Tôi xin các nhà báo vì lương tâm chức nghiệp của người cầm bút, xin hãy tường thuật trung thực.
Một cách gián tiếp, Võ đại Tôn bác bỏ vai trò của trung ương tình báo Hoa Kỳ. Ông xác nhận đã là người chủ dộng và chấp nhận tất cả mọi hậu quả. Như chúng ta đã thấy, hậu quả tàn khốc nhất là ông đã làm mất mặt toàn thể guồng máy công an và tình báo Hà Nội. Sau khi thấy Võ đại Tôn nói không đúng bài bản dự trù là sẽ thành khẩn thú nhận tội lỗi, lập tức cộng sản cúp điện, và lôi ông vào.
VODAITON 04.jpg
VODAITON 05.jpg
VODAITON 06.jpg


Sau đó khán giả không được thấy hình ảnh tiếp theo. Bình luận gia của đài truyền hình cho biết là người ta đã đem ông Võ đi và cuộc họp báo chấm dứt. Cuộc chiến đã ngưng ở đây. Một người đã thắng một chế độ. Kinh Kha của Việt Nam đã hoàn tất sứ mạng và không ai nghĩ rằng người tráng sĩ đó lại có ngày trở về.
Trần Bình Trọng của lịch sử Việt Nam, lúc sa cơ trong tay giặc đã bày tỏ tâm nguyện không làm vương đất Bắc. Người chiến sĩ họ Võ ra đi năm 1975, trở về năm 1981 vỏn vẹn với hai chiến hữu, sa cơ ở miền biên giới, đã đành quyết một lòng làm quỷ nước Nam. Sau này, khi đã xin tỵ nạn tại Pháp, nguyên đại tá cộng sản Bùi Tín kể lại rằng năm 82 Võ đại Tôn đã đem chính thân xác ra hy sinh để đánh lừa cả bộ chính trị Hà Nội một quả vô tiền khoáng hậu. Ai cũng biết rằng ông đã phải trả giá cho cuộc họp báo quốc tế phi thường như thế nào.
Tại San Jose, những thước phim ngắn trên truyền hình Nhật Bản được in ra phổ biến trong cộng đồng và một cuộc biểu dương hàng ngàn người đã được tổ chức tại công viên St James
Từ đó đến nay, giữa ngục tù Cộng Sản, ông Tôn đã đếm được 10 năm 1 tháng và 17 ngày. Báo chí ở Úc nói rằng: Mr. Võ có một trí nhớ sắc bén như lưỡi dao cạo. Ông nhớ rằng với trọn năm tù đầu tiên ông bị đánh suốt 45 ngày. Biệt giam trong một xà lim 3 thước và 2 thước rưỡi. Suốt 10 năm ông đã bị đánh đập 96 lần.
Sau ngày 13-7-1982, khắp thế giới nói đến Võ Ðại Tôn, nhưng cũng từ ngày ấy không một ai biết thêm tin tức gì về viên gạch lót đường yêu quý đó nữa.
VODAITON 07.jpg

VODAITON 08.jpg




Tại Úc châu, tiểu bang New South Wales, nơi cộng đồng Việt Nam thân yêu mà ông từ giã, vẫn mòn mỏi chờ đợi là một người vợ trẻ và đứa con trai 3 tuổi.

Năm 1990, khi có cơ hội qua Úc châu thăm bà Võ Ðại Tôn, chúng tôi đã tìm thấy một gia đình rất bình thường như bất cứ một gia đình tỵ nạn nào của cộng đồng Việt Nam. Bà Tuyết Mai, vợ Võ Ðại Tôn đi làm công chức và thay chồng nuôi con. Trong căn nhà nhỏ bé, có treo một tấm chân dung vĩ đại của người chồng và người cha ngàn trùng xa cách. Trở về Hoa Kỳ, chúng tôi đã bắt đầu công cuộc vận động với các giới lập pháp Hoa Kỳ, kể cả việc gửi người trong phái đoàn về đấu tranh với Hà Nội.
VODAITON 09.jpg

Cuối thập niên 80, các hội đoàn tại San Jose hòa nhịp với người Việt toàn thế giới cùng lên tiếng đấu tranh cho tù tập trung “Lao Cải”. Tên của Phan nhật Nam và Võ đại Tôn dược nhắc nhở nhiều lần. Sau đó, đại diện cơ quan IRCC là ông phó giám đốc Nguyễn đức Lâm trong phái đoàn quốc hội California đã về Sài gòn trong sứ mạng thăm dò với cùng muc đích của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng vào thời gian đó, Phan Nhật Nam vừa được tự do và IRCC đã có dịp phỏng vấn trực tiếp ông tại Sài Gòn đem về phát lại trên radio San Jose. Nhưng trường hợp Võ đại Tôn hy vọng rất mong manh.
Ðối với gia đình của ông Tôn, tin tức ghi nhận được ngày 13-7-1982 cũng là tin tức chính thức cuối cùng. Ít nhất cho đến 9 năm sau, với sự vận động rất tích cực của chính phủ Úc Ðại Lợi, Hà Nội đã cho phép ông nhận quà và gửi thư về. Rồi đến áp lực chung của toàn thế giới và sự lưu tâm đặc biệt của Úc châu. Sau cùng Cộng Sản Việt Nam quyết định trả tự do cho ông Võ Ðại Tôn ngày 10-12-1991.
VODAITON 10.jpg
Ông trở về Úc châu với cả một cộng đồng thân yêu chào đón. Với người vợ đỏ mắt chờ mong và đứa con trai mà người cha như là một huyền thoại. Hà Nội đã giam giữ ông trên 10 năm, từ 72 kg xuống còn 48 kg. Thân hình tiều tụy trông già hơn 20 tuổi. Tuy nhiên, trí óc sắc bén còn nhớ hàng trăm bài thơ dài ngắn và 3 cuốn sách mà ông đã viết bằng ký ức trong thời gian biệt giam, vì không có ánh đèn và giấy bút. Ngay như cuốn hồi ký Tắm Máu Đen (đường về quê hương và cuộc chiến cô đơn trong lao tù Hà Nội) dày hơn 500 trang, ngay sau khi ra khỏi tù trở về Sydney, đã được đánh máy trong vòng một tuần lễ và phát hành ngay tại Úc, 1992. Tái bản tại Hoa Kỳ năm 2000. Như vậy là, sau cùng người chiến sĩ xuất thân từ biệt kích đã có nhiều lần đảm nhận nhiều công tác tình báo đặc biệt, nay đã trở về. Lần cuối cùng ông đi vào lòng địch không hề có lệnh công tác mà cũng không có được một tiểu đội xung kích. Nếu không kể toán lính kháng chiến Lào hộ tống đã tan hàng, thì thầy trò chỉ vỏn vẹn có 3 người. Một người là Vũ Ðình Khoa đã hy sinh tại chỗ, một người thứ hai đã bị bắt cùng một lượt với Võ Ðại Tôn và được thả năm 1987.
VODAITON 11.jpg
VODAITON 12.jpg

Năm 1981, khi ông Võ Ðại Tôn lên tiếng với toàn thế giới là ông đang tìm đường trở về quang phục quê hương, trong chúng ta đã có nhiều người bày tỏ sự hoài nghi rất hợp lý.
Dứt bỏ cuộc sống ổn định, bỏ gia đình vợ con đơn chiếc để tìm con đường về mịt mù vô vọng. Quyết định này không dễ gì thực hiện. Mở cuộc thánh chiến cô đơn để chống chế độ Hà Nội lúc đó còn đầy đủ sắt máu và phong độ vào thập niên 80, rõ ràng đối với nhiều người thì đây là một hành động không khôn ngoan và thiếu thực tế.
Nhưng chúng ta không thể lấy tri thức của mọi người mà đo lòng của một người. Không thể lấy bụng dạ của thường nhân mà đo lòng chiến sĩ. Và không thể lấy đất mà đo với gạch. Vì vậy mới có Võ Ðại Tôn. Con người này khi đi làm anh hùng thể hiện sứ mạng lịch sử, quả thực đã thiếu sự khôn ngoan của đa số bình thường. Chúng ta đâu có biết ông đã nghĩ gì khi quyết “Tìm đường gai góc mà đi”.
VODAITON 14.jpg


Tháng 4 năm 1992, miền đất ấm California đã có dịp chào đón Võ Ðại Tôn trên đường từ Úc Châu qua Hoa Kỳ. Lúc đó phong độ vẫn quả cảm quyết liệt, nhưng già dặn chín chắn hơn. Chúng ta thường có thói quen dành hết lòng thương yêu thành kính cho những người liệt sĩ ra đi vĩnh viễn vào cõi vô cùng. Trong khi đó cộng đồng và quê hương thực sự rất cần những anh hùng còn tồn tại.
Hai mươi năm trước San Jose đã lên tiếng cảm ơn đất Quảng đã sản xuất ra một Võ Ðại Tôn trước sau như một. Chúng ta đã ca ngợi cộng đồng Việt tại Úc châu có được một Võ Ðại Tôn hơn một lần bước chân đi, lẫm liệt đường hoàng.
Con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn luôn mở rộng trong một cuộc chiến mới đầy hy vọng cho quê hương và dân tộc.

Trên con đường đó vẫn cần rất nhiều viên gạch lót đường. Trong đó, chúng ta đã có sẵn một viên gạch bất khuất. Viên gạch lót đường mang họ Võ.

Tháng 4 năm nay, chúng tôi lại mời ông Võ Ðại Tôn qua Mỹ.

Ngày thứ bẩy 15 tháng 5-2010 lúc 1 giờ trưa ông sẽ có dịp gặp gỡ đồng hương và chiến hữu tại San Jose. Tại hội trường Santa Clara County số 90 W. Hedding. Ông sẽ giới thiệu những cuốn sách mới viết xong, trong đó có cuốn hồi ký “Tuổi thơ và chiến tranh” và quan trọng hơn hết là ông sẽ trải rộng tâm tình với bà con San Jose, nơi cũng đã trải tấm lòng ra với ông suốt 30 năm qua.
Rồi một tuần sau, đến ngày chủ nhật 23 tháng 5-2010 trong chương trình văn nghệ 35 năm nhìn lại tại đại hí viện CPA, nhà thơ Hoàng Phong Linh, bút hiệu văn nghệ của Võ Ðại Tôn sẽ cất tiếng hát lời thơ do chính ông sáng tác (Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc) :” Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây...
Tháng tư 1975, cách đây 35 năm miền Nam đã có biết bao nhiêu anh hùng tuẫn tiết. Tình cờ chúng tôi ghi nhận được tướng Nguyễn Khoa Nam của đất Thần kinh, Trung Việt. Tướng Lê Nguyên Vỹ, quê Sơn Tây, Bắc Việt và tướng Lê văn Hưng, Nam Việt. Quả thực anh hùng ở khắp mọi nơi và hào kiệt thời nào cũng có.
VODAITON 15.jpg

Trên con đướng đấu tranh phục quốc Trần văn Bá về từ Âu Châu, Hoàng cơ Minh về từ Mỹ Châu và Võ Ðại Tôn về từ Úc Châu. Trên sân khấu lịch sử 35 năm nhìn lại ngày 23 tháng 5-2010, chúng tôi ước mong có đại diện sinh viên Trần Văn Bá, có người con trai của tướng Hoàng cơ Minh. Liệt sĩ Trần văn Bá đã bị cộng sản xử tử hình tại Sài Gòn. Ðề đốc Hoàng cơ Minh đã hy sinh miền biên giới. Ta nỡ lòng nào đề một mình viên gạch lót đường cô đơn Võ Đại Tôn đứng đó mà hát rằng:” Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây...

Giao Chỉ - San Jose.
4.2010

Tuesday, April 20, 2010

Thắng cảnh Sơn Trà và bóng tối của người lao động nghèo


Thắng cảnh Sơn Trà và bóng tối của người lao động nghèo
Monday, April 19, 2010






Trần Tiến Dũng/Người Việt
Tháng 4, mặt sông Hàn vẫn phẳng lặng chảy ngang hai bờ đô thị cũ và mới. Tp Ðà Nẵng trước mắt chúng tôi hôm nay là một đô thị lớn nhưng loãng. Những ai từng đến đây và từng có những ký ức đẹp từ nơi chốn thân thương này đều khó có thể giải thích vì sao Ðà Nẵng mới lại không tập trung. Phải chăng Ðà Nẵng hôm nay hướng đến chuẩn lấy việc phân chia dân cũ dân mới, người hèn kẻ sang mà sông Hàn là ranh giới. Phải chăng dù chỉ mới tượng hình là một đô thị hiện đại, Ðà Nẵng đã chạy theo khuynh hướng chuộng tô điểm hình thức “đô thị hàng hiệu” mà gạt đi sức sống thật của cả một cộng đồng lớn có không gian dung chứa đa dạng nhu cầu kiếm sống và quyền sống.

Thắng cảnh Sơn Trà và chùa Linh Ứng 3 nhìn từ phía xa lộ dọc theo bờ biển thành phố Ðà Nẵng mới. (Hình: TTD)

Một người bạn, làm nghề dạy học nói, “Các anh muốn đi ăn, muốn mua sắm hay nhờ một dịch vụ bình thường nào đó giống như người dân Ðà Nẵng thì phải đi ngược về bên kia sông Hàn, xa hơn cả chục cây số.” Ngày nay, du khách bình dân hay dân lao động được qui hoạch để chỉ đứng ngoài ngóng ngó mấy cái resort, khu mua sắm cao cấp lộng lẫy.

Người đàn ông đẽo đá gốc Quảng Bình đang hút thuốc lào bằng vỏ nhựa chai nước ngọt. Phải chăng người đàn ông nghèo tha hương này không có nổi một cái điếu cày bằng tre bình thường? (Hình: TTD)

Thắng cảnh Sơn Trà
Qua cầu quay sông Hàn, những chiếc xe gắn máy của chúng tôi rẽ trái, đi theo đường ven biển về phía bán đảo Sơn Trà. Ðây là đoạn đường mới mở nên vẫn còn đó những xác nhà chưa dọn sạch. Trên bờ biển, những chiếc thuyền thúng, thuyền nhỏ vẫn về bến mỗi buổi chiều. Cô bạn hướng dẫn nói, “Phải có thời gian mình ghé mua ghẹ, mực của mấy ngư dân nghèo này về ăn, tươi mà rẻ lắm anh.”

Ðẽo đá đến chảy máu tay cho tư bản ngoại và tư bản trong nước xây vila nghỉ mát và resort ăn chơi. (Hình: TTD)

Rồi cô không giấu vẻ tự hào nói tiếp, “Anh thấy mấy người mặc áo xanh đó không, họ là người đi dọn vệ sinh bờ biển đó. Làng chài ở đâu cũng dơ, ri chỉ Ðà Nẵng của em là sạch nhất.”
Chúng tôi hỏi, “Cô tiếc gì nhất một khi thành phố này thay đổi hơn nữa.”
Cô nói, “Tiếc là tiếc mấy cái đình, miếu thờ xưa, phải chi giữ lại một hai cái cũng được, ri xe ủi sạch sẽ rồi.”

Rác ở chùa Linh Ứng 3, một thắng cảnh mới khánh thành ở Sơn Trà. (Hình: TTD)
Càng gần bán đảo Sơn Trà cảnh núi, cảnh biển càng đẹp. Cảnh biển Sơn Trà đẹp đến mức nếu ai không vô cảm, vô ý thức thì lập tức sẽ thấy hốt hoảng khi nhớ rằng, ở ngay ngoài khơi kia, không hề xa Hoàng Sa đã mất, Trường Sa có nguy cơ mất và tất cả vùng biển của đất nước đẹp như hoa gấm này đang có nguy cơ bị cướp đoạt bằng vũ lực nếu không có quyết tâm.
Một người bạn trẻ khác nói, “Nếu muốn biết hiểm họa Trung Quốc gần đến mức nào thì chiều tối, từ chỗ khách sạn anh trọ, anh cứ đi vô mấy cái quán nhậu quanh đó, sẽ thấy rất đông công nhân Trung Quốc sau giờ làm ra ăn chơi hò hét.”
Nỗi bức xúc của người bạn trẻ đang thất nghiệp ở Ðà Nẵng này cũng giống như của một người bạn từ Quảng Nam ra nói với chúng tôi, “Một công ty mang danh Tân Tây Lan muốn nhờ tôi thu gom rong mơ, một loại rong quí ở vùng biển quê tôi. Nhưng khi biết đó là một công ty Trung Quốc núp bóng tôi từ chối làm với họ. Những vùng biển nhiều rong mơ là nơi cá chuồng và nhiều loại cá làm ổ đẻ, vét hết rong là tuyệt duyệt cá. Rồi bọn Trung Quốc cũng kiếm được bọn tham lợi khác vét rong mơ cho họ thôi, còn tôi từ chối làm với chúng để được thanh thản.”
Những người đẽo đá
Chúng tôi đến điểm nhô ra biển của bán đảo Sơn Trà. Rừng trên núi vẫn là rừng nguyên sinh với nhiều loại cổ thụ, người ta còn nói vẫn còn thấy khỉ má trắng quí hiếm xuất hiện ở đây. Nhìn những tấm bảng đề cấm phá rừng, cấm săn bắn, cấm lửa... giữa một vùng đất bắt đầu khai thác du lịch, ít nhiều, cũng khiến người ta cũng cảm thấy hy vọng núi rừng bán đảo Sơn Trà sẽ không rơi vào thảm trạng trụi lủi như nhiều nơi khác.

Giữa khu rừng nguyên sinh với những tấm bảng cấm phá rừng nghiêm ngặt, nhưng đã có đại gia nào đó ngang nhiên xây biệt thự nghỉ mát mới toanh. (Hình: TTD)

Ở một góc núi, nơi những chiếc xe ủi cỡ lớn vừa mới phá đường lấp đất chuẩn bị xây resort, chúng tôi gặp hai người đàn ông làm nghề đẽo đá. Hai anh cho biết là dân Quảng Bình vào. Công việc của hai anh là đẽo những khối đá mà xe ủi phá núi đưa ra, hai anh đẽo thành từng viên cho người ta xây móng làm resort, mỗi ngày một người đẽo được hai mét khối, giá mỗi khối là một trăm ngàn đồng. Hai anh ngày đẽo đá, đêm dựng lều ở tại chỗ, không cần phải mướn nhà trọ. Một người cười hề hề nói, “Nếu ở dưới phố ngủ cũng phải mất tiền, vợ con ở quê thế là khổ.” Lúc trò chuyện, một anh lấy thuốc lào ra hút, họ hút thuốc lào với cái điếu làm bằng vỏ chai nước ngọt. Nhìn khói thuốc lào bay trắng mặt anh, chúng tôi bỗng nhớ lại lời kể về những người công nhân Trung Quốc đêm đêm ngồi nhậu ngật ngưỡng dưới phố. Việc so sánh mức sống và lối sống của những người lao động khác quốc tịch là điều khiên cưỡng, nhưng người ta vẫn cứ nghĩ rằng: Những người Việt nghèo tha hương ngồi đẽo đá giữa Tp Ðà Nẵng hoành tráng này là những người đã và sẽ tiếp tục bị giật mất chén cơm bởi đội quân lao động giá rẻ Trung Quốc. Rồi đây những người nghèo VN không những không tìm thấy cho mình một chỗ quen thuộc ở tầng mức nghèo khổ nhất, mà còn nguy cơ phải bơi trong đêm tối mịt mùng giữa quê hương đất nước của mình.
Trần Tiến Dũng

Saturday, April 17, 2010

Người chết sáu mươi năm trở về .


Chuyện cười bể bụng  .                               
              .
  Quê  tôi ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị , xa biễn ,xa núi ,xa thị xã ,người dân  rất cực khổ , thiếu ăn quanh năm , thiếu áo để  mặc ,không biết cái mền là cái chi  trời lạnh thì đắp tấm đệm lác hay chiếc chiếu.
 Hằng năm sau khi thu hoạch vụ mùa  tháng 10 xong, trong làng thuờng tổ chức  đi rú (núi ) đốn củi, để có củi  dúm (đốt ) sưởi ấm trong  mùa đông sắp tới, dành  lại một ít để  chụm (nấu) nồt bánh tét , bánh chưng  ngày  cuối năm. Vì làng xa Rú  (núi) nên người ta  thuê  đò để đi đốn củi , mỗi lần đi từ 5 ngày hay 1 tuần ,khi nào đò chất đầy cũi thì họ về .  5 hay 7 người  đi một chiếc đò ,  cã làng cùng đi một lần cho nên thuê rất nhiều đò,người ta gọi là đi cũi chuyến .
 Ba tôi nói , vào khoảng năm 1930 hay 1931 , cũng một chuyến đi củi như vậy , đò của ba tôi 6 người nhưng chĩ tính 5 , vi có người cháu tên là  Nguyễn Hữu Nhạc  ở hạng tuổi 13 hay 14 nhà cực, em đông ,cha mẹ đau quanh năm, nên cho đi ké không tính tiền đò .
 Người lớn vào đốn ( Chặt) củi trong  Rú Xeng ( Rú xanh ,rừng già ) còn Nhạc  nhỏ quá nên chỉ đốn củi ngoài Rú Càn (Đồi không có cây cao ) quanh quẫn gần nơi đóng Đung ( Trại ). Chiều ngày thứ 2 của chuyến đi ,ai nấy đều về đung  nghĩ ngơi ăn cơm tối , nhưng Nhạc không thấy về ,đến tối thì báo động , cã làng đùi gậy tỏa ra đi kiếm , đi  ra mấy ngọn rú  phía ngoài ,người ta  thấy , cái Rạ ( Rựa ) , cây đòn xóc (dùng để gánh củi ) và cái mo cơm ăn  dang dỡ . ai nấy đều òa lên khóc , chắc chắn Nhạc đã bị cọp vồ ,tha đi mất rồi , một đêm không ai dám ngũ , sáng hôm sau đi tìm dấu vết một lần nữa ,nhưng chẵng thấy gì , đò cã làng đều kéo nhau về chiều hôm đó , mặc dù cũi chưa được bao nhiêu .

 Tin Nhạc bị cọp ăn phao đi rất nhanh,cã tỗng rồi cã huyện , mỗi người có một lối suy diễn khác nhau ,mỗi người vẽ thêm một chút, toàn là chuyện                                                   
kinh hoàng , làng kế bên đi cũi về họ kể , mấy đêm rồi phía Nam của bến đò có tiếng  người thanh niên khóc  thãm thiết , gia đình của Nhạc cũng chết lên chết xuống  vì tin nầy , dù cực khỗ cách mấy cũng phải xôi gà cúng , để cho Nhạc khỏi đói .
  Làng khác  đi  rú về thì nói Nhạc rất linh thiêng , chiều  chiều có bóng người thanh niên thấp thoáng , ban đêm có ra đi quanh đung của họ .
 Tin đồn nầy qua tin đồn khác ,dần dần người đi củi ,đưa  mấy cục đá lớn đến , chồng lên nhau ,làm thành một bàn thờ ,bỏ bát nhang  để thờ vong hồn Nhạc, đò mới đến cũng cúng , người sắp rời  cũng cúng , kẻ thì xin ơn
               
người thì tạ ơn ,họ đồn  nhau và coi Nhạc như vị thần thiêng , cho nên ai đi Rú về , bị đau đầu,sổ mũi , hay đau bât cứ  bệnh gì , cũng phãi lên lại rú thắp nhang , khấn vái xin Nhạc cho  họ lành.
Ngày qua ngày , năm qua năm ,  người đau nặng  kẻ đau nhẹ được lành , tỏ lòng biết ơn họ cùng nhau  xây lên một  cái am nho nhỏ , để làm nơi ở cố định cho Nhạc . Còn gia đình thì hàng năm  lấy ngày Nhạc bị cọp vồ làm  ngày giỗ .                                                          

Nhà của Nhạc rất đông anh   em , Nhạc là anh cã trong gia đình , thời gian qua nhanh các em của Nhạc  lập  gia đình , có con có cháu .
  Vào khoãng năm 1966  hay 1967 ,một buỗi chiều người em của Nhạc làm lính Dân Vệ Xã,  đi gặt lúa về ra  giếng của xóm tắm , không biết đã tắm chưa , người ta thấy Nhạc  nằm gục bên bờ thành giếng , bồng vào nhà một lúc thì  tắt thở.
 Thũ tục mê tín của các làng nông thôn phãi đi  coi thầy bói  để biết tại sao chết , giờ nào nhập quan , giờ nào hạ huyệt , khó khăn cách mấy cũng phải thu góp một số tiền đem cúng cho ông thầy làng kế bên . Thầy bói  nói :
-          Ông nầy chết bất đắc kỳ tử , bị ông anh  cã cũng chết bất đắc kỳ tử  về bắt khẫn cấp  , chết nhằm giờ trùng nên phải chôn gấp . Mộ có rào chung quanh , trên mộ phải có lồng nuôi một con mèo đen bốn mươi chín ngày sau mới thã mèo hay giết chôn luôn trên mộ .
 Mộ của người chết gia đình làm các thũ tục y như lời thầy bói dạy , họ đi  mời thầy về gọi hồn ông Nhạc , ông ta  nhập xác nói .
     - Ông ta buồn và giận lắm , vì ông ta chết mất xác ,không mồ mã , gia    đình     không quan tâm đến ông ta , cho nên ông ta bắt đi đứa em đễ cảnh cáo , coi  chừng không ông ta sẽ bắt  những đưâ  kế tiếp .
  Anh em con cháu lạy  sát đất  hết lời cầu xin tha mạng , hứa  sẽ cúng cấp  đàng hoàng .
   Họ họp bàn với  nhau, sau vụ mùa này đóng góp lúa  để chuẫn bị cúng lớn cho ông Bác , chưa kịp  cúng thì  chuyện  không may xảy đến , thằng cháu đích tôn của người mới chết, học lớp  ba,lội sông theo bạn qua bên kia cồn để bắt dế ,khi đi qua thì nước thũy triều xuống , sông cạn khô , khi về thũy triều dâng lên, nước mênh mông , tuổi nhỏ không biết lội , em đã chết đuối .
Thầy bói lại nói , tại vì không chịu cúng cấp ,cho nên ông Bác nỗi giận , đem cháu theo ông ta rồi , đúng là trùng tang liên táng .                                                             
  Con cháu ,trong gia đình ông Nhạc  sợ quá ,sợ chết lây qua mình ,mời thầy phù thũy về làm trai đàn (Cúng )  ngay sau khi đám đứa cháu nội .
 Thầy cúng phán :
                                                        
 - Phải ( Chiêu hồn luyện cốt ) làm mồ mã cho ông bác .
  Một toán thầy cúng  gần cã chục người  , ba ngày liên  tiếp ,kèn ,trống ,mõ ,kẻng ,tiếng  ê   a  tụng niệm ,nghe cũng hay ,mà cũng dễ sợ ,có vẻ  ,ma quái  làm sao ấy .
Ngày  sau cùng ,thầy cúng  chia làm 2   toán .  Ba ông thầy cùng với vài người thân  , thuê đò lên núi ,chỗ cái am thờ ông Nhạc ,để thĩnh vong hồn ông nầy về .gọi là chiêu hồn .
 Ba ông Thầy ở nhà lo làm phép luyện cốt ,để khi  hồn về có xác mà  nhập .

 Gia đình đã chuẫn  bị  theo yêu cầu của thầy ,  một gánh đất sét trắng   .một rỗ cành cây dâu tằm ăn, cạo sạch lớp vỏ   xanh bên ngoài ,đã phơi khô .một dĩa máu có pha rượu ,máu nầy lấy  mấy  người trong anh em nội tộc mỗi người vài giọt ,mỗi người vài cọng tóc .
  Thầy cúng   lấy đất sét nắn hình người đàn ông , dùng cành dâu khô ,nhúng vaò đỉa máu đỏ,nhét vào hình đất sét làm xương ,lấy tóc gắn lên đầu  hình nhân .
  Toán trên núi bưng  về  một bài vị và một bát nhang , họ đặt bát nhang trên đầu hình đất sét  , la hét nhãy múa một hồi  tàn cây nhang họ  phán :
     - Hồn đã nhập xác rồi .
Liệm vào tiểu( hòm nhỏ ) gánh đi chôn , làm mộ,  dựng bia , hàng năm vẫn chạp vẫn giỗ.

  Biến cố lịch sữ 1975 , miền Nam không còn  ,  con người hụt hẫng , chĩ biết bám víu vào Thượng để , nương tựa vào những người thân đã mất , gần gũi  với những phần mộ mà một thời chiến tranh ít thăm viếng . Mộ ông Nhạc  trong làng vẫn  rĩ tai nhau  là  rất linh thiêng , cuộc sống của người dân  phần thì đói , phần thì đau không có thuốc uống ,  ban đêm họ lén  đến mộ ông ta cầu xin , cỏ to cỏ nhỏ gì họ cũng nhỗ tận gốc về nấu uống trị bệnh ,  không còn cỏ họ  quay qua đá,  gạch  .

  Rồi một hôm  khoãng  10 giờ  sáng  của thượng tuần  tháng 8 năm 1980 .
 Một chiếc xe ô tô  màu đen sang trọng , một ông tây  đội mũ phớt đen , tay cầm đùi ba-tong , có 2 thanh niên đi cùng, tìm nhà và hỏi tên  cúng cơm ba của tôi (tên cúng cơm là tên cha mẹ đặt có ghi trong gia phã , lớp người trẻ ít ai biết , họ chỉ biết tên thường gọi , đó là  tên của người con đầu , ví dụ tôi tên A , con trai tôi tên B , thì  người ta gọi tôi là ông B , còn tên A là tên cúng cơm ),  cho nên khi hỏi tên nầy ít người biết .
 Vào nhà, ông  Tây ôm ba tôi và giới thiệu :
                                                   
-          Tui là Nhạc ,Nguyễn Hữu Nhạc đây , con ông Ng.bác còn nhớ không ?
Ông ta khóc .
-         Cực khỗ như ry hã bác .
Ba tôi  nói :
-   May mà còn sống , cã tui với chú , chú đã bị cọp ăn lâu rồi mà .
-  Ai nói tui bị cọp ăn .
 Ông ta kể lại.
-          Bữa sáng đó tôi mới mở mo khoai ra tính  ăn trưa , mấy ông lính Tây từ đâu xuất hiện , bắt trói ,kéo đi về đồn của họ , cũng chẵng biết là chỗ mô vì nhỏ quá ,  mấy ngày  sau  có một ông Tây đem tôi đi  chố nầy qua chỗ khác   không biết là bao lâu nữa , cuối cùng xuống tàu thũy theo ông ta ,  khi biết tiếng Tây rồi mới  hiểu   ông ta nhận tôi làm con nuôi , ông không có vợ ,tôi ở với mẹ ông ta , rồi ông tiếp tục ra đi, ông ta làm rất lớn trong Quân đội , tôi được đi học ,đã làm việc trong chính phũ Pháp nhiều năm ,hai thanh nhiên ngoài kia là Công an của Bộ Nội Vụ  theo tôi , chẵng biết để làm gì .
Tôi hỏi ông .
-  Chú đi lúc còn quá nhỏ  , tính đến bây giờ cũng  50 năm, một thời gian quá dài không nói tiếng Việt, mà sao chú không quên , nhớ rành rẽ những tiếng nhà quê .                                                 
 Ông nói :
-         Mạ tau , đẻ ra , nuôi  tau  nậy , dạy tau ăn , dạy tau nói , thì mần răng mà quên tiếng mạ đẽ được .
 Ông thần Nhạc bị cọp ăn, linh thiêng trên rú , đã chiêu hồn nhập cốt   chôn ở đây ,  mộ của ông người làng đang  lén lút  cầu xin ơn phúc,bây  giờ đã hiện về bằng xương bằng thịt .
  Ông ôm bụng cười ngất  trước mộ bia và  nghe kể huyền thoại của ông .
                                                      Phương Lâm Ngôn Nguyễn .                              Hết .